Lịch sử của giày chạy bộ

Hơn 50 năm trước trước, khi Roger Bannister tới từ Anh chạy chặng đường đầu tiên của mình với thời gian dưới 4 phút, anh ấy đã chạy trên một đôi giày có vẻ ngoài như ai đó đã đóng đinh lên một đôi giày Oxfords vậy. Ngày nay, công nghệ giày chạy bộ đã và đang trở thành một ngành kinh doanh lớn khi các thương hiệu ngày càng tìm cách để mang tới cho các runner sự thoải mái cũng như tạo ra lợi thế trong các cuộc đua. Vậy thì, quá trình để đi từ một đôi giày mà Roger Bannister sử dụng cho tới một đôi giày chạy bộ thoải mái hiện nay diễn ra như thế nào, chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu nhé!

Cuối những năm 1800: Một khởi đầu đầy chông gai

  Một trong những ví dụ sớm nhất cho một đôi giày chạy bộ bắt nguồn vào năm 1865 và được tìm thấy trong một bảo tàng ở Northampton của Anh – một thị trấn rất nổi tiếng với nghề đóng giày tại thời điểm đó, và nó được cho là thuộc về chúa tể Spencer. Đôi giày chạy bộ này được thiết kế dành cho đàn ông và có gai ở phía dưới. Trọng lượng của nó cũng rất nhẹ, được làm bằng da, có dây đeo để tăng khả năng hỗ trợ bên và có thể được sử dụng để chạy việt dã.

  Một công ty đóng giày ban đầu khác cũng là một công ty Anh có tên là JW Foster and Sons (hiện nay được biết đến nhiều hơn với tên gọi Reebok) được thành lập vào năm 1890 bởi Joseph William Foster – một vận động viên điền kinh muốn thiết kế những đôi giày có thể giúp anh ta đi nhanh hơn. Công ty này đã sản xuất giày đinh bằng da cho các vận động viên người Anh bao gồm cả nhà vô địch 100 mét Olympic năm 1924 tên là Harold Abrahams.

Năm 1917: Việc đưa cao su vào giày chạy bộ xuất hiện

  Vào giữa những năm 1800, một quy trình mới được gọi là lưu hóa đã được phát triển. Bằng việc sử dụng nhiệt để hợp nhất cao su và vải với nhau, công nghệ này đã được sử dụng để tạo ra đôi giày vải với đế bằng cao su nhẹ đầu tiên được sử dụng đặc biệt cho thể thao và được gọi là giày thể thao bởi đế cao su cho phép người mặc đi lại mà không bị phát ra tiếng động. Sau đó, đôi giày này dần trở nên phổ biến với các vận động viên sau Thế chiến thứ nhất khi các công ty như Keds và Converse bắt đầu bán giày dưới dạng giày thể thao.

Năm 1920 – 1940: Sự ganh đua của 2 anh em ruột tạo ra các thương hiệu giày chạy bộ nổi tiếng

  Vào những năm 1920, hai anh em Adi và Rudolf Dassler bắt đầu kinh doanh giày thể thao tại một thị trấn nhỏ tên Herzogenaurach của Đức và họ chuyên kinh doanh giày điền kinh. Tuy nhiên sau đó, chính trị, chiến tranh cộng với việc vợ của họ không hòa hợp đã gây ra rạn nứt tình cảm giữa hai anh em ruột. Vào những năm 1940, họ đã trở thành đối thủ và chia ra để thành lập các cửa hàng ở cùng một thị trấn nằm trên hai bên bờ sông. Người anh Rudolf đã ra mắt thương hiệu Puma vào năm 1948 trong khi người em Adi lại thành lập thương hiệu Adidas. Có một sự thật thú vị là cho tới ngày này, cả hai công ty vẫn có trụ sở tại Herzogenaurach.

Năm 1950 – 1960: Nhu cầu về tốc độ xuất hiện

  Vào những năm 1950, Bill Bowerman – huấn luyện viên trưởng bộ môn điền kinh tại Đại học Oregon, muốn phát minh ra một đôi giày chạy nhanh hơn, nhẹ hơn dành cho các vận động viên của mình. Hầu hết bản thiết kế của ông đều có đặc điểm giống với đôi giày của Roger Bannister sử dụng như chất liệu da và có đinh gai. Tuy nhiên, dù cho Bowerman đã đưa bản thiết kế của mình cho nhiều nhà sản xuất nhưng lại không ai chịu đầu tư vào thiết kế của ông và thực sự đó đã là một sai lầm lớn.

  Vào những năm 1960, khi bộ môn chạy cự ly dài dần trở nên phổ biến hơn, Bowerman và một trong những vận động viên kiêm học sinh cũ của ông (Phil Knight) đã thành lập một công ty có tên là Blue Ribbon Sports. Họ mua những đôi giày dựa trên thiết kế của Bowerman từ các công ty sản xuất giày chạy bộ Nhật Bản và bán chúng ở mặt sau của những chiếc xe tải tại các cuộc đua. Loại giày phổ biến nhất của họ chính là Cortez với đế giữa bằng cao su xốp và đây cũng là một trong những hãng đầu tiên cung cấp đệm chống lại các tác động của mặt đường. Cho tới khi Bowerman và Knight thành lập công ty sản xuất của riêng họ vào tháng 5 năm 1971, Cortez trở thành mẫu giày hàng đầu của họ và công ty đó mang tên Nike.

Những năm 1970: Đế EVA, Waffle nổi tiếng và đôi giày dành cho phụ nữ đầu tiên ra đời

  Những năm 1970 chứng kiến ​​sự áp dụng của khoa học thể thao vào giày chạy bộ và những người tham gia thiết kế đã phát hiện ra rằng các dáng chạy khác nhau cũng cần các loại giày khác nhau phù hợp với từng loại. Từ đó, một trong những cải tiến lâu đời nhất trong công nghệ giày đã xuất hiện mang tên Ethylene vinyl acetate hay còn gọi là EVA và cho tới nay, loại bọt này vẫn được sử dụng trong hầu hết các loại giày chạy bộ ngày nay với công dụng là một loại bọt khí giúp tạo đệm và hấp thụ sốc. Brooks, hãng đầu tiên sử dụng công nghệ EVA, đã kết hợp nó trong giày Villanova của mình vào năm 1975.

  Trong cùng một thập kỷ, Bowerman của Nike cũng đã phát triển một loại đế có sức kéo nhẹ hơn cho giày thể thao. Trong khi ông chơi đùa với cao su và bàn ủi bánh quế trong nhà bếp của mình, ông đã tạo ra đế waffle và cho tới nay phát minh này vẫn còn hiện diện trong một số đôi giày Nike. Tuy nhiên, đó không phải là tất cả những phát minh của Nike trong khoảng thời gian này. Vào năm 1978, họ còn giới thiệu đôi giày dành riêng cho nữ đầu tiên được thiết kế với form nhỏ hơn.

Năm 1980 – 2000: Xu hướng giày chạy bộ ổn định

  Vào cuối những năm 70 và đầu những năm 80, chạy bộ phát triển rầm rộ. Từ năm 1971 đến 1981, số người hoàn thành một cuộc chạy marathon tăng 1.800%, và giày chạy bộ dần trở nên phổ biến hơn. Do đó, Brooks đã ra mắt chiếc đôi giày đầu tiên để thử nghiệm và kiểm soát chuyển động quay (một loại chuyển động của bàn chân được cho là có thể gây ra thương tích) vào năm 1976. Để kiểm soát chuyển động này của bàn chân, Brooks Vantage đã được trang bị thêm một cái nêm bên trong để giúp chân người chạy hơi nghiêng ra ngoài.

  Vào những năm 1980, những đôi giày được thiết kế nhằm tạo ra sự ổn định với sự kết hợp của khả năng hỗ trợ tốt và đệm lớn đã trở thành một cơn sốt trong giới chạy bộ bao gồm cả Brooks Chariot (bây giờ được gọi là Beast) và X-Calibre GT, sau này trở thành Asics Kayano.

  Năm 1987, Nike đã tạo ra một biểu tượng cho riêng mình với công nghệ bong bóng đệm gót chân được sử dụng lần đầu tiên vào năm 1979 và có thể thấy trên Giày Nike Air Max.

Năm 2000 – 2010: Quay lại những điều cơ bản

  Một thiên niên kỷ mới đánh dấu một khởi đầu mới cũng như sự xuất hiện của các lối tư duy mới bao gồm một bài báo trên tạp chí Nature của một giáo sư Harvard tên là Daniel E. Lieberman. Bài báo này cho rằng chạy bằng chân trần có thể thoải mái hơn đối với một số người ngay cả trên những bề mặt cứng nhất và nó đã khiến cho cả thế giới đang chạy bỗng chững lại và quan tâm tới ý tưởng này.

  Sau khi thấy các vận động viên Stanford tập luyện bằng chân trần, vào năm 2001 Nike bắt đầu làm việc và cho ra mắt Nike Free (một đôi giày được thiết kế nhằm tạo cảm giác chạy chân trần bằng cách giảm trọng lượng giày và sử dụng loại đế giúp người chạy cảm thấy có sự kết nối với mặt đất hơn).

  Vào năm 2006, Vibram’s FiveFingers – một đôi giày tối giản giống như găng tay với các ngăn riêng cho từng ngón chân và đế cao su cực mỏng, đã ra đời và chủ nghĩa tối giản (ý tưởng rằng ít giày hơn là tốt hơn) trở thành từ thông dụng mới. Nguyên tắc đi chân trần này cho rằng giày phải hoạt động theo chuyển động của bàn chân chứ không phải chống lại nó và nguyên tắc này đã được củng cố lại một lần nữa khi Christopher McDougall xuất bản cuốn sách “Born to Run” sau thời gian ông sống với Tarahumara – một bộ tộc Mexico bản địa gồm những người chạy cực kỳ sung mãn xuyên suốt một quãng đường dài hàng trăm dặm trong khi họ chỉ đeo dép mỏng .

Năm 2010 – 2017: Giày chạy bộ trở nên thông minh hơn

  Chạy bằng chân trần có thể không phải là câu trả lời cho việc ngăn ngừa chấn thương, nhưng thực sự nó đã để lại rất nhiều dấu ấn. Trong những năm gần đây, các đôi giày chạy bộ ngày càng trở nhẹ hơn, thoải mái hơn và được cá nhân hóa hơn.

  Vào năm 2012, Nike đã cho ra mắt Flyknit đánh dấu cho mười năm sản xuất của mình. Flyknit là một đôi giày chạy bộ được trang bị loại vải sợi nhẹ được thiết kế nhằm cung cấp thêm cho các runner sự hỗ trợ khi cần thiết. Công nghệ này giúp giảm trọng lượng của của đôi giày đồng thời giúp giảm khoảng 60% chất thải so với một đôi giày được cắt, khâu truyền thống.

  Vào 2013, Adidas giới thiệu của công nghệ Boost (một hệ thống đệm được thiết kế với công ty hóa chất hàng đầu BASF) với ý tưởng là tạo ra thứ gì đó “tốt hơn EVA”. Phần đệm này được làm bằng nhựa nhiệt dẻo với cấu tạo từ hàng nghìn viên nang giúp hoàn trả năng lượng. Boost sẽ nén lại dưới áp lực từ đó hấp thụ cú sốc và bật trở lại ngay lập tức nhằm cung cấp năng lượng hoàn trả cho mỗi bước chạy.

Xu hướng nhanh hơn, xanh hơn và hướng về người dùng hơn

  Tạp chí Runner’s World dự đoán tương lai của giày chạy bộ sẽ càng ngày càng cá nhân hóa. Hiện nay, hầu hết các thương hiệu đều cung cấp cho bạn tùy chọn thiết kế giày của riêng mình và điều chỉnh màu sắc của các bộ phận như phần Upper và dây buộc. Tại Pháp, hệ thống thiết kế giày ME: sh của Salomon đã tiến thêm một bước nữa cho phép người chạy bộ điều chỉnh giày sao cho phù hợp với phong cách chạy và địa hình.

  Một xu hướng lớn khác đang thay đổi ngành sản xuất giày dép là tập trung vào sản xuất bền vững, thân thiện với môi trường. Một đôi giày chạy bộ thân thiện với môi trường chẳng hạn như Adidas ‘Parley, được làm từ các chất thải nhựa được tìm thấy trên các bãi biển và trong các cộng đồng ven biển mà nếu không được đưa vào sản xuất giày thì chúng sẽ bị trôi dạt ra ngoài đại dương. Ngoài ra, giày chạy bộ cũng ngày càng thông minh hơn chẳng hạn như Altra Torin IQ (được trang bị các cảm biến có thể cung cấp dữ liệu về mọi bước chân).

  Nhưng những khoản tiền lớn đang được đầu tư vào những đôi giày chạy bộ sẽ giúp bạn di chuyển nhanh hơn. Cuộc đua thiết kế giày có khả năng phá vỡ rào cản marathon kéo dài hai giờ chắc chắn đang diễn ra bởi đầu năm nay, Nike đã cho ra mắt phim tài liệu “Breaking2”, ghi lại nỗ lực của thương hiệu để vượt lên vị trí thứ hai với một số vận động viên hàng đầu thế giới đang sử dụng giày chạy bộ Nike ZoomVaporfly Elite. Đây là một đôi giày được thiết kế đặc biệt cho mục tiêu “hai giờ” với tấm sợi carbon ở đế giữa được thiết kế nhằm cung cấp năng lượng hoàn trả lớn hơn và giúp “thúc đẩy” các vận động viên lao về phía trước.

  Tuy nhiên, bất chấp mọi nỗ lực của các hãng giày chạy bộ, rào cản vẫn không bị phá vỡ. Chúng tôi nghĩ rằng đây là một tin tốt cho các runner bởi cho tới khi kỷ lục này được phá vỡ, giày chạy bộ sẽ luôn được đổi mới và cải tiến và thậm chí 2 yếu tố này còn sẽ đứng đầu danh sách những điều cần làm của mọi thương hiệu.

Nguồn: : Zappos.com

Tác giả: Bằng Runner (FM sub 4:30)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *