Nhiều người cho rằng việc thường xuyên thay giày chạy bộ sẽ giúp chúng ta cải thiện thành tích và giảm nguy cơ chấn thương. Có rất nhiều lý do để chúng ta sở hữu nhiều hơn 1 đôi giày chạy trong đó bao gồm những lý do sau đây.
Giảm nguy cơ chấn thương
Việc chạy cùng một đôi giày từ ngày này qua ngày khác sẽ khiến cơ và khớp phải chịu cùng một hướng lực tác động giống nhau trong tất cả các bài chạy. Do chạy bộ có đặc thù tác động mạnh và lặp liên tục lên cơ thể nên việc đi một đôi giày duy nhất có thể khiến tác động càng nặng hơn, đặc biệt khi chúng ta nâng cường độ tập luyện.
Theo kết quả một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Y học Thể thao của Anh, những người tập luyện sử dụng nhiều đôi giày khác nhau thường có nguy cơ chấn thương thấp hơn.
Nghiên cứu chỉ ra rằng việc thay đổi luân phương tối thiểu 2 mẫu giày chạy giúp giảm nguy cơ chấn thương tới 39% so với việc không luận phiên thay đổi. Khi thay đổi giày chạy, chúng ta cũng thay đổi lực tác động lên hệ cơ xương, qua đó có thể giúp giảm thiểu tác động lặp đi lặp lại lên khớp, cơ và dây chằng.
Tuổi thọ giày cao hơn
Một quy tắc vàng của dân chạy bộ là mỗi đôi giày chạy bình quân có tuổi thọ khoảng 700-800km. Đương nhiên, mức độ cụ thể còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố liên quan đến người chạy như:
· Kiểu bàn chân tiếp đất
· Địa hình chạy
· Tần suất chạy
· Tốc độ chạy
· Cân nặng
· Đặc điểm cơ sinh học
Ngoài ra, việc luân phiên thay đổi giày chạy cũng giúp kéo dài tuổi thọ của giày, giúp chúng ta tiết kiệm được kha khá tiền do một đôi giày chạy chất lượng cao thường có giá không hề rẻ.
Tìm hiểu thêm: Có nên mua và sử dụng giày chạy bộ cũ không ?
Dùng giày khác nhau cho bài chạy khác nhau
Nếu dự định mua vài đôi để trên kệ, chúng ta nên mua phù hợp với bài tập cụ thể. Mỗi đôi giày khác nhau sẽ hoạt động khác nhau ở tốc độ chạy nhanh hoặc chậm nên cảm giác chân chạy cũng sẽ khác nhau. Điều này đặc biệt đúng khi chúng ta dần tiến bộ hơn và bắt đầu nâng dần cự ly và tốc độ tập luyện.
Ví dụ, thường chúng ta sẽ chọn loại giày nhẹ hơn và ít đệm hơn cho các bài chạy ngắn và nhanh trong khi đối với bài chạy dài hơn chúng ta thường chọn giày có độ đệm nhiều hơn.
Đa dạng lựa chọn
Ngoài những lý do trên, chúng ta cũng nên luân phiên thay đổi giày vì một vài lý do sau đây:
Có thể luân phiên phơi giày
Việc thay đổi giày luân phiên giúp chúng ta có thời gian để cho những đôi giày còn lại được hong khô hoàn toàn nhằm loại bỏ các loại nấm có thể xuất hiện trong môi trường ẩm ướt và nhiều mồ hôi trong giày. Những bài chạy dài thường là khi chúng ta để lại rất nhiều hơi ẩm phía trong giày chạy.
Việc liên tục để giày trong tình trạng ẩm sẽ khiến vật liệu cấu tạo giày xuống cấp và dẫn tới tình trạng mòn rách không đều ở phần vải phía trên đôi giày.
Giặt kỹ
Việc giặt và phơi khô một đôi giày phải mất vài ngày và chắc chắn chúng ta không muốn vì lý do đó mà bỏ tập.
Chạy và di chuyển
Nếu bạn là người thích chạy giữa nhà và nơi làm việc, chúng ta nên để sẵn một đôi trên văn phòng để đỡ phải mang qua mang lại.
Muốn mua nhiều đôi giày phải làm sao?
Các bạn có thể làm theo hướng dẫn sau đây:
Đa dạng hóa các mẫu giày: Nếu ngân sách (và bạn đời) cho phép, chúng ta nên sở hữu tối thiểu 2 đôi giày chạy, nên là hai đôi của hai mẫu khác nhau với độ chênh lệch mũi-gót (heel drop) khác nhau.
Tư vấn chuyên gia/bạn bè: Lần sau khi mua giày, chúng ta nên hỏi bạn bè hoặc nếu có thể, các cửa hàng bán giày chạy để họ có thể kiếm giúp chúng ta vài đôi giày chạy phù hợp với các mục đích chạy khác nhau, kiểu bàn chân, cân nặng, kinh nghiệm chạy để thử.
Kiểm tra độ lệch mũi-gót: Việc sở hữu các đôi giày có độ lệch mũi-gót khác nhau là cách rất hay để chúng ta dần thay đổi cách guồng chân và đáp chân và giúp cơ thể có thể vận động theo cách khác biệt một chút so với bình thường.
Chỉ sử dụng giày khi chạy: Đừng dùng giày chạy để đi chơi hay đi mua sắm hay làm việc nhà vì sẽ làm giảm tuổi thọ giày.
Săn hàng giảm giá: Có thể hỏi cửa hàng giảm giá cho đôi thứ 2 khi mua 2 đôi hoặc để ý các đợt giảm giá trên mạng hoặc tại các cửa hàng bán giày.
Địa hình khác nhau: Chúng ta nên cố gắng thay đổi đa dạng các địa hình chạy trong mỗi tuần và mang đôi giày phù hợp với địa hình đó như chạy đường núi, chạy đường đất, chạy đường nhựa, đường bê tông, đường sỏi đá, cỏ, sân vận động.
Theo dõi và quan sát: Đừng cắm đầu chạy. Chúng ta nên để ý tình trạng mòn của giày vì một đôi giày mòn đồng nghĩa với nguy cơ chấn thương cao hơn.
Đừng đợi đến khi giày hỏng: Đừng đợi tới khi đôi giày đang đi hỏng hoàn toàn mới mua đôi mới. Kiểm tra xem đã cần phải thay giày hay chưa, ghi lại quãng đường đã sử dụng đôi giày (Strava hoặc Garmin Connect đều có tính năng này) và nhớ lật giày lên để quan sát cấu trúc mòn của đế giày. Nếu đế bị mòn quá nhiều, chúng ta nên đổi giày.
Nguồn: Imsports